Get Adobe Flash player

Tin Xuất Nhập Khẩu

Xuất khẩu thủy sản: Quản chất lượng để nâng kim ngạch

2/28/2014 9:52:07 AM

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trái với quy luật thông thường của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu (XK) đầu năm thường trì trệ sau đợt nghỉ Tết kéo dài, thì ngành thủy sản đã đón nhận những tín hiệu vui ngay từ tháng 2 với giá trị XK tăng mạnh. Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) kỳ vọng, nếu "đầu xuôi đuôi lọt" thì năm 2014, kim ngạch XK thủy sản có thể đạt 6,9 tỷ USD.

 

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 2/2014, giá trị XK thủy sản ước đạt 335 triệu USD, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 919 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Mỹ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 26,67% tổng kim ngạch XK, tăng 89% so với cùng kỳ. XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia cũng tăng trưởng đáng kể với mức tăng tương ứng đạt 17,85%, 29,27% và 31,45%...

 

Nhiều tín hiệu sáng

 

Một số doanh nghiệp (DN) XK thủy sản cho biết, đã ký kết được những đơn hàng dài hạn đối với các đối tác ở những thị trường lớn. Theo bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Thủy sản Sông Tiền (Sotico), tính đến thời điểm này, Sotico đã sở hữu được những đơn hàng đến tháng 3/2014 với sản lượng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2013. Trung bình mỗi tháng, công ty xuất đi vài chục container hàng sang các thị trường chủ lực tại châu Âu.

 

Đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, ngành tôm năm nay sẽ tiếp tục giữ vị trí chủ lực trong các sản phẩm thủy sản XK. Mặc dù cho tới nay, ngành tôm Thái Lan bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhưng ít nhất con tôm của Việt Nam sẽ còn bán được với giá cao trong khoảng 4 tháng nữa (từ nay cho đến hết tháng 6/2014).

 

Thực tế, ngay từ đầu năm, con tôm Việt Nam đã "xông" đất Nhật Bản với cơ hội hết sức thuận lợi là thị trường này đã nới lỏng hơn yêu cầu khắt khe về mức dư lượng Ethoxyquin trong tôm Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản. Thay vì mức 0,01 ppm trước đây, đến nay, Nhật đã nâng mức dư lượng cho tôm Việt Nam lên 0,2 ppm (tăng 20 lần so với quy định cũ). Điều này đã góp phần tạo đà XK tôm tăng mạnh.

 

Thị trường cá tra năm nay cũng được kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn năm trước, vì có khả năng một số thị trường truyền thống sẽ mở ra cơ hội cho mặt hàng này của DN Việt Nam. Mới đây, Ukraina đã cho phép 10 DN chế biến thủy sản của Việt Nam được XK cá tra vào thị trường này.

 

Theo VASEP, thời gian qua, ngành cá tra đã có sự sàng lọc tương đối kỹ lưỡng nên đã tự loại bỏ, khai tử khá nhiều kiểu cách làm ăn theo phong trào, chộp giật, những nhà đầu tư "lướt sóng" đã rút lui, chỉ còn lại những DN thật sự có nền tảng phát triển ổn định, có vốn, thị trường, kỹ thuật nuôi. Chính đây sẽ là lực lượng chủ đạo đưa ngành cá tra hướng tới phát triển bền vững.

 

Tín hiệu sáng cho thị trường thủy sản năm nay cũng đến từ sự khả quan về "sức khỏe" tài chính của thế giới. Kinh tế thế giới năm 2014 đang thoát dần ra khỏi khủng hoảng, nên sức tiêu thụ mặt hàng nông sản nói chung, thủy sản nói riêng được dự báo sẽ tăng mạnh hơn.

 

Xác định thủy sản là một trong những mặt hàng nông sản XK chủ lực, Bộ NN&PTNT hết sức quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năm nay, Bộ NN&PTNT chủ trương ưu tiên tăng cường quản lý chất lượng, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) để đáp ứng yêu cầu ngày càng gắt gao hơn của thị trường quốc tế, song vẫn tạo điều kiện để giảm áp lực, tạo cơ hội cho các DN thủy sản mở rộng thị trường.

 

Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế

 

Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp về Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT quy định kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản XK thay thế Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT.

 

Thông tư 48 thay thế cho Thông tư 55 được Bộ NN&PTNT ban hành ngày 12/11/2013 được coi là bước ngoặt cơ bản thay đổi cách tiếp cận kiểm soát kép ATTP duy trì suốt hơn 10 năm: một mặt kiểm soát nghiêm ngặt điều kiện sản xuất của nhà máy chế biến, một mặt lại kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu lô hàng XK sang kiểm soát hiện trạng ATTP của nhà máy là chính, chỉ lấy mẫu thẩm tra đối với DN có yêu cấp cấp chứng thư theo như thông lệ quốc tế và có đối chiếu.

 

Bên cạnh đó, Thông tư 48 được kỳ vọng sẽ góp phần nâng chất thủy sản XK, tạo điều kiện để DN có được kết quả chứng nhận sản phẩm an toàn một cách nhanh và hiệu quả nhất. Theo đó, Thông tư 48 đưa ra yêu cầu về các tiêu chí đánh giá về điều kiện sản xuất phân loại DN được xây dựng dựa trên nguyên tắc các tiêu chuẩn chung phải theo thông lệ quốc tế và lấy các thị trường lớn làm định hướng, trong đó đặc biệt là EU, khuyến khích các DN nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Quy định về đánh lỗi và xếp loại DN được xem như cái mốc, có tính định hướng để DN biết được năng lực của mình đang ở vị trí nào để có mục tiêu phấn đấu, hướng tới hoàn thiện hơn về hoạt động kiểm soát ATTP.

 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra chất lượng thủy sản XK theo hướng giảm bớt kiểm tra đại trà, chỉ tập trung những DN chưa làm tốt, những khâu chưa làm tốt để khuyến khích DN phấn đấu đạt được ở mức độ cao hơn. Quy định lấy mẫu thẩm tra theo lô hàng sẽ được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam để giảm bớt gánh nặng cho DN. Bộ chủ trương tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hệ thống phòng kiểm nghiệm, để các DN có thể chủ động mang mẫu tới kiểm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định, và Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) dựa vào đó để chứng nhận.

 

Theo Thời báo Kinh Doanh


Hỗ Trợ Trực Tuyến